Trong 6 năm qua, nhiều dịch vụ phát trực tuyến đã phục vụ nhu cầu của otaku ở châu Á, mang đến các anime theo mùa được phát sóng cùng thời điểm với Nhật Bản và trình chiếu anime điện ảnh. Một trong những dịch vụ như vậy là Ani-One Asia, thương hiệu của Tập đoàn Medialink có trụ sở tại Hồng Kông, mang những anime phát sóng theo mùa và anime chiếu rạp đến với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ trong 2 mùa đầu tiên của năm 2024, Ani-One đã phát sóng nhiều anime khủng như Kaiju No. 8, Blue Archive The Animation, Solo Leveling, HAIKYU!! Trận chiến bãi phế liệu, KONOSUBA mùa 3 và My Hero Academia mùa 7.
Medialink đã bắt đầu cấp phép bản quyền anime kể từ khi hai chị em Triệu Tiểu Yến và Triệu Tiểu Phong đồng sáng lập công ty vào năm 1994, nhưng vượt xa ngoài anime, doanh nghiệp này đã mở rộng sang kinh doanh hàng lưu niệm, thương mại điện tử và cấp phép IP cho một loạt thương hiệu như Garfield, Popeye, và Hoàng tử bé. Medialink thành lập Ani-One Asia vào năm 2018 với tư cách là một kênh phát trực tuyến anime và đã thu hút được tổng cộng 5,5 triệu người đăng ký trên các kênh ở khu vực, phát sóng trực tuyến anime trên các kênh YouTube mang thương hiệu của mình hoặc cấp phép cho các dịch vụ truyền hình, video theo yêu cầu và streaming trong nước.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn nhà đồng sáng lập Triệu Tiểu Yến về lịch sử của Medialink, những động thái gần đây của Ani-One và tương lai của công ty này. Mời các bạn chú ý theo dõi!
Cô Triệu Tiểu Yến, đồng sáng lập Medialink
© 2021 by Institute of ESG & Benchmark Limited
PV: Tôi được biết chị là người đồng sáng lập Medialink và vẫn là Giám đốc điều hành. Nhiệm vụ của chị trong công ty có thay đổi theo thời gian hay là vẫn y nguyên?
Cô Triệu Tiểu Yến: Tôi nghĩ kể từ khi tôi và ba chị em đồng sáng lập công ty, tầm nhìn trở thành công ty quản lý sở hữu trí tuệ số một của chúng tôi vẫn luôn như cũ. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi với tư cách là một công ty không bao giờ nên thay đổi sứ mệnh của mình và giá trị của chúng tôi với tư cách là một công ty là giữ được niềm đam mê và sức mạnh từ các mối quan hệ đối tác của chúng tôi.
Nếu có cái gì khác thì đó là do ngành này không ngừng phát triển và đổi thay theo sự đi lên của công nghệ. Khi chúng tôi bắt đầu hoạt động với tư cách là doanh nghiệp, chúng ta có truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình quảng bá, truyền hình trả tiền, và giờ đây các nền tảng phát sóng trực tuyến đã xuất hiện. Và chúng tôi phải thay đổi theo diễn tiến của công nghệ để đáp ứng nhu cầu về môi trường cũng như khách hàng của mình. Vì vậy, hiện tại, chúng tôi có nền tảng phát trực tuyến Ani-One, bộ phận kinh doanh riêng và sau đó là Ani-Music-One để biểu diễn các Anisong trên sân khấu hòa nhạc. Vì vậy, bây giờ chúng tôi có một hệ sinh thái hoàn chỉnh sẵn sàng phục vụ tệp khách hàng hiện đại.
PV: Tôi nghĩ nhiều độc giả của chúng tôi không biết Medialink đã bắt đầu như thế nào. Chị có thể kể tóm tắt về quá trình thành lập công ty được không ạ?
Cô Triệu: Ừm, một điều tôi thường được hỏi trong các cuộc phỏng vấn là tại sao tôi lại trở thành doanh nhân hoặc chủ tịch của một công ty niêm yết. Khi tôi 17 tuổi, tôi chưa bao giờ mơ ước trở thành chủ doanh nghiệp. Mối quan tâm của tôi ở tuổi đó là bố tôi, người bị tai nạn giao thông, điều đó có nghĩa là tôi phải cố gắng học hết đại học trong vòng ba năm để có thể bắt đầu kiếm tiền. Tôi bắt đầu làm nhân viên quảng cáo trong đài Star TV, nơi tôi trau dồi kỹ năng bán hàng, cập nhật tình hình thị trường, tìm xem chương trình hay nhất, v.v. Tôi rời Star TV sau khi News Corporation của Rupert Murdoch mua lại đài. Tôi đã có rất nhiều mối quan hệ và khách hàng từ thời làm việc tại đài Star TV, họ hài lòng với công việc của tôi, vì vậy tôi đã mang theo những kinh nghiệm đó khi bắt đầu vận hành Medialink.
Tôi chọn làm việc trong lĩnh vực hoạt hình khi khởi hành Medialink vì tôi biết rằng cơ quan trước đây của tôi không chiếu phim hoạt hình. Vào thời điểm đó, với một doanh nghiệp của Hồng Kông, Đại lục là thị trường lớn nhất mà bạn có thể dễ dàng tiếp cận và phim hoạt hình không cần phải trải qua quy trình kiểm duyệt của chính phủ. Tôi biết Nhật Bản là nguồn cung cấp phim hoạt hình lớn nhất nên tôi đến Nhật Bản để “khóa cửa” bằng cách trở thành người đầu tiên tiếp cận anime cho thị trường của mình.
Vào thời điểm đó, khi tôi đang cố gắng tiếp xúc với những nhà cấp phép của Nhật Bản, họ nghĩ rằng tôi chỉ là một cô bé không có tiền. Đó là một ngành công nghiệp chịu sự ảnh hưởng từ văn hóa trọng nam khinh nữ. Tuy nhiên, tôi đã tìm cách tiếp cận họ bằng kiến thức tôi biết về tình hình thị trường ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Họ không biết có bao nhiêu đài truyền hình ở châu Á nơi nội dung của họ được phát sóng vào giờ vàng. Vì vậy, tôi đã cung cấp cho họ thông tin họ muốn và sau đó tôi có thể nói chuyện với họ.
Thương vụ mua lại đầu tiên của chúng tôi là Ninja Boy Rantaro (Nintama Rantaro), mà Sogo Vision là bên cấp phép vào thời điểm đó trước khi họ bán nó cho NHK. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn đang cấp phép cho anime đó cho mùa thứ 26. Sau đó chúng tôi đã cấp phép cho các tựa phim như là Pokémon, Ultraman Tiga, Dyna, Gaia và Cosmos. Ultraman không thành công lắm nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã mang dòng phim Gundam tới châu Á, đặc biệt là Philippines. Ở Philippines, chúng tôi phân phối bộ Hana Yori Dango/Vườn sao băng, điều này đã thực sự thay đổi bối cảnh truyền thông ở đó. Sau đó, chúng tôi đã bán hơn 60 phim truyền hình người đóng cho Philippines. Vì vậy, bạn có thể thấy bức tranh khắc họa cách chúng tôi quản lý IP.
PV: Ờm, câu chuyện của chị về việc những licensor Nhật Bản không biết về tình trạng sản phẩm của họ ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác khiến tôi tò mò: chị có nghĩ rằng điều đó bây giờ đã thay đổi nhiều không?
Cô Triệu: Có, vì trong quá khứ, nó như một “xã hội khép kín”, đó là điều tất nhiên. Kiến thức là thông tin được bảo vệ chặt chẽ. Đó là cách những con buôn như tôi sống sót lúc bấy giờ. Thời đó chưa có Internet nhưng tôi đã tìm hiểu không ít thông tin. Bản thân tôi đã đào ngách khắp mọi thị trường. Ngay cả bây giờ, các nhà điều hành truyền thông vẫn tìm đến chúng tôi để biết thông tin.
Tuy nhiên hiện nay, những nhà điều hành Nhật Bản nhìn chung đã nhận thức được tình hình thị trường nhờ có Internet. Internet là một nguồn “kiến thức mở”. Nhưng bạn thực sự cần phải sàng lọc, kiểm tra thực tế - nó khác lắm. Bạn cần những kỹ năng khác nhau. Giờ đây, giới truyền thông Nhật Bản có thể nói các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nhật; đến cả tiếng Anh của họ còn tốt hơn tôi nhiều! Đó thực sự là một sự thay đổi rất lớn trong suốt 15 năm qua.
PV: Chị đã ra mắt dịch vụ phát trực tuyến Ani-One vào năm 2018. Quá trình chuyển đổi số diễn ra như thế nào trong sáu năm qua?
Cô Triệu: Chúng tôi đã có thương hiệu này từ năm 2016 đến năm 2017. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19, chúng tôi bắt đầu cấp phép cho nhiều tựa phim hơn.
Sau khi được niêm yết [trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông] vào tháng 5 năm 2019, chúng tôi đã thuê việc kha khá người khi bắt đầu phát triển Ani-One. Điều này cho phép chúng tôi vẫn phân phối anime trên nền tảng của mình, ngay cả khi khách không mua những tựa phim mà chúng tôi cấp phép. Nó cũng cho phép chúng tôi có người hâm mộ và hệ sinh thái của mình. Bây giờ, chúng tôi đã có Ani-Mall, thương hiệu thương mại điện tử dành cho hàng lưu niệm của chúng tôi. Một số hàng lưu niệm chúng tôi bán là sản phẩm độc quyền của thương hiệu này.
PV: Vậy chị có cảm thấy nó đang trên con đường phát triển ổn định không?
Cô Triệu: Tất nhiên rồi. Chúng tôi bắt đầu chỉ với 1.000 người hâm mộ và bây giờ, chỉ sau vài năm, chúng tôi đã có hơn 5 triệu [người đăng ký]. Bây giờ mục tiêu của chúng tôi là 10 triệu. Sau đó là 10 triệu nữa.
PV: Có thị trường nào mà chị nghĩ Ani-One có thể làm tốt hơn không?
Cô Triệu: Philippines, Indonesia, Việt Nam và tôi nghĩ một trong những thị trường chính mà chúng tôi đang hướng tới là Ấn Độ. Do quy mô dân số thuộc hàng lớn nhất thế giới nên hiện nay việc nhảy vào thị trường Trung Quốc rất khó vì sự kiểm duyệt của chính phủ, hoặc họ có tiêu chí riêng về quyền sở hữu nền tảng. Vì vậy, Ấn Độ là một trong những thị trường mà chúng tôi đang nghĩ cách hoạt động tốt hơn.
PV: Chị nghĩ điều gì khiến Medialink và Ani-One khác biệt với các đối thủ khác ở Đông Nam Á?
Cô Triệu: Tôi thực lòng nghĩ rằng chúng tôi là một công ty quốc tế, một công ty quản lý sở hữu trí tuệ và một đại lý kinh doanh. Và nhiều công ty khác trong lĩnh vực này đều rất “ao làng”. Nhưng với tôi, hợp tác là một trong những chìa khóa thành công trong tương lai, vì vậy chúng tôi luôn cởi mở với các công ty khác. Ví dụ, khi chúng tôi trở thành một công ty niêm yết, tôi đã đến Singapore, gặp một đối thủ cạnh tranh để xin giấy phép và nói rằng tôi muốn đầu tư vào công ty của họ. Và điều đó khiến họ bị sốc, nhưng tôi đã nói với họ rằng sự hợp tác là vô cùng quan trọng.
Về phạm vi tiếp cận quốc tế, chúng tôi đã làm với Garfield, Sesame Street, Little Prince và Moomin, Transformers trong nhiều năm. Anime là một phân khúc quan trọng nhưng chúng tôi cũng quản lý rất nhiều thương hiệu quốc tế và thậm chí chúng tôi làm đại diện cho các tài sản từ Paramount và Sony Pictures. Nên có thể nói chúng tôi đang nhảy trên rất nhiều nền nhạc. Chúng tôi thậm chí còn làm phim người đóng với team của mình ở Hồng Kông và Đài Loan. Vì vậy, chúng tôi quản lý IP của mình theo một cách rất khác. Tôi không thể nói như vậy về đối thủ cạnh tranh của chúng tôi. Có lẽ chúng tôi chỉ có đối thủ ở một thể loại như Media Asia là đối thủ của chúng tôi ở lĩnh vực điện ảnh hay Emperor Cinema. Tuy nhiên, do tính đa dạng trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi nên thực sự không có công ty nào cạnh tranh được với chúng tôi.
© 2024 Medialink Group Limited
PV: Thị trường anime châu Á từ lâu đã quen với tình trạng xem lậu. Công ty của chị có kế hoạch thay đổi suy nghĩ của người dùng về vấn nạn vi phạm bản quyền hay không?
Cô Triệu: Khi chúng tôi lập hồ sơ cho khách hàng, họ tìm kiếm chất lượng. Trước đây, khi chúng tôi phân phối các bộ phim như Thomas & Những người bạn, Pokémon, Beyblade và Crush Gear, có rất nhiều trong số đó bị vi phạm bản quyền. Nhưng hiện nay, giá trị của vật chất đã khác. Những người 'cướp biển' không phải là mục tiêu của chúng tôi. Cổng thương mại điện tử của chúng tôi mang đến những món hàng không thể bị làm lậu. Hoặc chúng tôi thực hiện những buổi hòa nhạc không thể bắt chước được. Thị trường đang thay đổi rất nhiều và không thể phủ nhận rằng vi phạm bản quyền tồn tại nhưng nó có thể được coi là một phần của tiếp thị.
PV: Nên là về cơ bản, chị mang đến trải nghiệm mà vi phạm bản quyền không thể copy được nhỉ.
Cô Triệu: Đúng rồi, trải nghiệm mang lại cảm giác thực sự rất khác. Khách hàng tìm kiếm chất lượng mà.
PV: Một số công ty xem những người 'cướp biển' là tác nhân khiến doanh thu “lặng yên dưới vực sâu”.
Cô Triệu: Điều đó vẫn chính xác, tùy thuộc vào sản phẩm của bạn. Ngay cả một số mặt hàng như áo thun cũng rất dễ bị sao chép. Nhưng những thứ như mô hình anime, chúng có chất lượng cao. Việc sở hữu những sản phẩm chất lượng cho thấy bạn là một otaku hoặc một fan hâm mộ anime chân chính. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đặc biệt là ở các lễ hội ở Đài Loan và Hồng Kông, các bạn chi trả [rất nhiều vào hàng lưu niệm] và họ không chi số tiền đó vào hàng nhái. Đối với tôi, vi phạm bản quyền thực sự chỉ là tiếp thị; tôi chẳng bận tâm. Thị trường bây giờ đã khác rồi. Và thành thật mà nói, nếu ủy ban sản xuất, nhà cấp phép hoặc tác giả biết về điều đó và muốn làm gì đó với nó, thì họ nên nhanh chóng chấp thuận. Hahahaha!
PV: Đúng rồi đó chị haha!
Cô Triệu: Nếu họ hiểu, thời gian là điều cốt yếu để tạo ra kết quả chất lượng. Quan điểm của các tác giả về anime rất khác nhau. Dù sao đó cũng là đứa con tinh thần của họ. Khi chúng tôi còn Pokémon, chỉ cần một cảnh nội y và quá trình phê duyệt kiểm duyệt có thể mất một năm. Tất nhiên, vào thời điểm của Pokémon, tình hình thị trường không sôi động như ngày nay. Đó là lý do tại sao vào thời điểm đó, có lẽ họ chỉ có nhận thức khác về mọi thứ.
PV: Công ty mình trước đây có tập trung vào việc phát hành video gia đình không chị ơi?
Cô Triệu: Có lẽ là không nhiều. Nó chỉ là một trong số rất nhiều hướng đi. Nhưng ngay cả với The First Slam Dunk, chúng tôi cũng sẽ phát hành DVD và Blu-ray ở Hồng Kông và đây là một bản phát hành cao cấp rất đặc biệt mà người hâm mộ sẽ quay lại xem.
PV: Chỉ ở Hồng Kông thôi, phải không chị?
Cô Triệu: Chuẩn, hoàn toàn chuẩn.
PV: Vậy các bạn otaku ở Hồng Kông có văn hóa sưu tầm nhiều không chị?
Cô Triệu: Có chứ. Về doanh số bán hàng, tôi tin chắc rằng Nhật Bản đứng đầu, tiếp theo là Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông
PV: Ở Hoa Kỳ và Nhật Bản, họ có nét văn hóa sưu tầm thực sự nhiều đó chị.
Cô Triệu: Đúng nha, ở Mỹ, thành thật mà nói, nó đã phát triển rất nhiều trong vòng bảy đến mười năm qua.
PV: Nhưng Đông Nam Á chưa từng hình thành văn hóa sưu tầm nhiều chị ạ.
Cô Triệu: Phải rồi, mặc dù nó đã phát triển. Chỉ sau COVID-19, doanh số bán hàng ở Đông Nam Á mới tăng trưởng. Tôi nghĩ đó là vì dịch COVID đã thúc đẩy nhiều người sử dụng Netflix và streaming nói chung, nên khách hàng đã tăng trưởng rất nhiều.
PV: Medialink có kế hoạch hoặc ý định nào để thử và khuyến khích một loại hình văn hóa sưu tầm băng đĩa video gia đình hoặc mô hình ở Đông Nam Á, nơi mà trước đây việc này khá khó khăn hay không?
Cô Triệu: Tôi nghĩ chúng tôi đang đẩy hàng lưu niệm vào thị trường đó. Chúng tôi đầu tư vào một công ty ở Hồng Kông có tên Sunrisepop. Họ đã có nhiều sản phẩm anime thành công và hiện tại họ đang phân phối ở Mỹ và thậm chí ở Philippines. Chúng tôi đã mở rộng rất nhiều trong lĩnh vực đó, thế nhưng không phải video gia đình. Hàng lưu niệm là cách chúng tôi khuyến khích cảm nhận về giá trị sâu sắc hơn đối với sở hữu trí tuệ.
PV: Kế hoạch của chị cho thị trường trong tương lai là gì ạ? Kế hoạch dài hạn của Medialink là mở rộng ra ngoài Châu Á hay chỉ ở trong đó thôi?
Cô Triệu: Khi trở thành công ty niêm yết, chúng tôi đã công bố kế hoạch 5 năm của mình, kế hoạch này sẽ kết thúc vào tháng 9 này. Năm ngoái, chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch 5 năm tiếp theo. Anime vẫn là một phần quan trọng trong chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi đã đầu tư vào một nhà sản xuất phim truyền hình và điện ảnh, đồng thời, chúng tôi đang xem xét đầu tư vào một xưởng phim hoạt hình hoặc nhiều công ty sản xuất hàng hóa hơn. Về mặt địa lý, Châu Á vẫn là trọng tâm chính của chúng tôi. Các vùng lãnh thổ như Trung Quốc và Ấn Độ, chúng tôi vẫn cần đi sâu hơn vào những điều này. Vẫn còn những người hâm mộ tiềm năng chưa thể mua hàng hoặc đến xem concert. Vì vậy, chúng tôi cần đi sâu hơn vào các thị trường này trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có dấu ấn ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như là bán hàng lưu niệm. Và thường thì việc bán hàng có thể giúp bạn mở rộng sang lãnh thổ khác. Nếu tôi có quyền toàn cầu đối với mô hình, tôi sẽ bán nó cho cả thế giới. Và đó là những gì chúng tôi đang tiếp tục với Medialink trong 5 năm tới, đặc biệt là trong thế giới anime. Chúng tôi cũng vẫn đang tìm kiếm sức mạnh của nội tại từ các đối tác chiến lược mà chúng tôi có chung tầm nhìn, có thể từ Nhật Bản hoặc một nơi khác trên thế giới.
PV: Cảm ơn chị Tiểu Yến đã tham gia cuộc phỏng vấn này.
Cô Triệu: Cảm ơn các bạn rất nhiều!